Một số quy định về việc xuất hóa đơn bán lẻ kế toán cần biết

4 years ago administrator 0

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bán lẻ, viết và xuất hóa đơn bán lẻ là công việc mà kế toán thường xuyên phải thực hiện. Bên cạnh việc tìm hiểu về dịch vụ hóa đơn điện tử, về đối tượng được cấp hóa đơn bán lẻ từ cơ quan thuế, về báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn,… kế toán nên trang bị cho mình các quy định cần thiết về xuất hóa đơn bán lẻ. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ đến quý bạn đọc những thông tin hữu ích về hóa đơn bán lẻ và hướng dẫn xuất hóa đơn bán lẻ.

1. Xuất hóa đơn bán lẻ hàng hóa, dịch vụ dựa trên căn cứ nào?

Điều 18 Thông tư 29/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 quy định:

– Đối với hàng hóa, dịch vụ có tổng thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ khi người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

– Nếu hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn, bên bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Nội dung yêu cầu cần có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập bảng kê. Nếu bên bán nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì bảng kê bán lẻ phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày (mẫu số 5.6 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

– Cuối mỗi ngày, đơn vị kinh doanh lập một hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tại mục “Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”…

hóa đơn bán lẻ

2. Một số quy định về việc xuất hóa đơn bán lẻ

a. Nếu đơn hàng trị giá dưới 200.000 đồng

Theo quy định tại Thông tư 153/2010/TT-BTC thì đối với mỗi đơn hàng trị giá dưới 200.000 đồng mà khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn thì kế toán sẽ lập bảng kê theo mẫu số 5.7 – Phụ lục 5 của Thông tư này để xuất chung trên 1 tờ hóa đơn. Như vậy, DN không cần phải tách giá trị hóa đơn bán lẻ thành nhiều hóa đơn.

Trên bảng kê cần phải khai đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn:

– Bên bán cần phải lập bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán; tên hàng hóa dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký của người lập.

– Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì bảng kê cần phải có tiêu thức “thuế giá trị gia tăng” và  “tiền thuế giá  trị gia tăng”.

b. Nếu đơn hàng trị giá lớn hơn 200.000 đồng

Kế toán sẽ xuất hóa đơn dựa trên quy định về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”. 

Kinh doanh nhà hàng có nên sử dụng hóa đơn điện tử? 

Doanh nghiệp hưởng nhiều quyền lợi khi sử dụng hóa đơn điện tử

Sau khi lập hóa đơn, kế toán giữ lại liên một và liên hai trên quyển hóa đơn còn liên ba có thể lưu chuyển nội bộ để hạch toán. Lưu ý, quy định này không được áp dụng đối với các công ty, cửa hàng xăng dầu.

Trường hợp này rất nhiều kế toán cho rằng không quan trọng, vì cơ quan thuế có thể không biết được người tiêu dùng mua hàng có giá trị trên 200.000 đồng hay không. Trên thực tế, việc này cũng khó để xác định được. Thông thường, cơ quan thuế có thể lấy tổng giá trị tiền hàng rồi chia cho số lượng của mặt hàng nào đó. Nếu giá trị đơn vị của mặt hàng đó lớn hơn 200.000 đồng thì doanh nghiệp đã thực hiện lập hóa đơn sai theo quy định tại thông tư số 153/2010/TT-BTC.