Cơm lam – đặc sản văn hóa vùng Tây Bắc
6 years ago administrator 0
Cơm lam- món ăn đặc trưng của các tỉnh miền núi phía Bắc đã trở nên ngày càng quen thuộc với không những khách du lịch khắp mọi miền Tổ quốc mà còn gây được ấn tượng mạnh mẽ với du khách nước ngoài tới thăm nơi đây. Nó không chỉ đơn thuần một món ăn, mà còn gói ghém trong đó cả một nét đẹp văn hóa truyền thống.
Đặc sản của núi rừng
Không giống như cơm gạo bình thường được nấu bằng nồi kim loại hay niêu đất. Cơm lam mang đến một vẻ đặc biết và độc đáo khi được làm chín trong những ống nứa dài, nhỏ và thẳng, như những ống sáo trúc vậy.
Cơm lam mang đến cho người ta hương vị mới mẻ cùng mùi vị độc đáo khó tả. Sự độc đáo đó có lẽ nhờ gạo được trộn với muối và gừng, lại quyện thêm mùi vị của ống nứa thơm mát. Bên cạnh đó còn là hương thơm quen thuộc của gạo nếp cái hoa vàng đã được chọn lọc, ngâm kĩ.
Theo tín ngưỡng của người dân vùng cao, của các dân tộc, cơm lam có ý nghĩa gắn liền với cuộc đời của con người. Nó được dùng trong các dịp tế lễ, thờ cúng linh thiêng. Bên cạnh đó, cơm lam còn là cách để trừ tà độc, phụ nữ ăn sau khi sinh con để cầu mong cho con mình được che chở, hạnh phúc. Với những ý nghĩa truyền thống và linh thiêng đó, cơm lam vẫn thường xuyên xuất hiện trong những bữa ăn thường nhật, vẫn được gìn giữ và trân trọng trong các gia đình miền núi, vùng cao.
Nếu như mỗi vùng miền có những văn hóa, những nét đặc trưng, những món ăn khác nhau như bánh chưng, giò chả, chè búp,.. thì cơm lam ngay lâp tức gợi trong mỗi người về vùng núi cao nơi có ruộng bậc thang, nhà sàn,… góp phần tạo nên nền văn hóa ẩm thực phong phú, độc đáo của đất nước Việt Nam.
Cách làm cơm lam
Nguyên liệu làm cơm lam bao gồm gạo nếp cái hoa vàng với những hạt mẩy, to, tròn. Cùng với đó là lá chuối hoặc lá dong và ống tre nứa loại to vừa phải, dài tầm 30cm. Bên cạnh đó, để nguyên liệu thêm phong phú và món ăn thêm đẹp mắt, có thể chuẩn bị thêm dừa nạo, nước cốt dừa và vừng. Ở một số ít vùng, người ta còn có thể nghiền nhỏ sắn, khoai, ngô để cho vào ống nứa thay cho gạo.
Bước sơ chế nguyên liệu cũng khá đơn giản. Với gạo nếp, bạn cần ngâm trước khi nấu từ 6-8 tiếng. Việc ngâm này giúp gạo mềm hơn, đồng thời cũng dẻo và thơm hơn, mang đến hương vị ngọt ngào khó quên. Cùng với đó, lá chuối, ống nứa và các loại nguyên liệu cần được làm sạch giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lá chuối được cuộn nhỏ thành một cái nút để bít kín một đầu ống nứa. Tiếp theo, cơm được trộn cùng dừa, vừng và nhồi tới ¾ ống nứa và bít kín đầu còn lại. Xong xuôi những ống cơm lam này có thể được làm chín bằng cách hấp cách thủy hoặc nướng trực tiếp trên lửa.
Cơm lam thường được ăn với muối vừng, muối lạc hoặc thịt nướng, mang đến cho mọi người những hương vị lạ lẫm, khó quên. Ngày nay không chỉ miền núi phía Bắc mà cơm lam đã đi dọc các miền Tổ quốc qua những địa chỉ nhà hàng, quán ăn, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho những người yêu thích văn hóa Tây Bắc thưởng thức chúng thường xuyên hơn.